Đừng “đánh úp” dư luận mãi!

1 bình luận

Quan điểm Mitonios về việc xây khách sạn bên trong công viên Thống nhất: Tôi không phải là 1 người dân sinh ra tại thủ đô, nhưng tôi cũng đã từng sinh sống ở đây 5 năm và điều quan trọng nhất, tôi sinh ra tại Việt Nam. Tôi nghĩ mình không đủ trình độ để bàn luận về vấn đề này, nhưng tôi vẫn quan tâm và quan sát. Tôi sẽ quan sát xem, liệu có phải nhà nước thể hiện tiếng nói của nhân dân hay những người làm lãnh đạo chính là nhân dân


KTS Ngô Doãn Đức, Viện Trưởng Viện Kiến Trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam)

Hồi những năm 90, khi mới về nước, tôi đã nghe dư luận râm ran về dự án xây khách sạn SAS trên đất công viên Thống Nhất. Sau đó thấy im im nên cũng không có ý kiến gì thêm.

Sau hơn 15 năm, cơ quan quản lý địa phương lại ngấm ngầm thực hiện, vì quyền lợi của một nhóm người mà đi ngược lại với lợi ích cả cộng đồng.

Đây là cách làm quá coi thường dư luận của những cơ quan liên quan cấp phép, quản lí, mà tệ nhất là cơ quan cấp phép. Bởi nếu vì dân thì sao nhà chuyên môn, cơ quan tham mưu đầy ra đấy mà không chịu hỏi?!

Vụ việc, một lần nữa khiến ta hoài nghi về khả năng, năng lực hay thiện chí của những nhà quản lí, nhà quy hoạch, xây dựng trong việc giữ gìn không gian đô thị Thủ đô.

Chuyện xây dựng Trung tâm thương mại 19/12, chính quyền đã quyết hẳn hoi, rồi phải dừng lại khiến nhà đầu tư cũng khổ, mà nay lại lặp lại, có chịu rút kinh nghiệm đâu! Một ví dụ nữa là toà nhà EVN bên Hồ Gươm, họ cũng đã chuẩn bị dọn sạch để xây rồi đấy chứ. Đến khi bị nói dữ quá mới chịu dừng.

Xa hơn nữa, một câu chuyện khác: Công trình “Hà Nội Vàng” cách nay 6, 7 năm (nay là chỗ toà nhà Bảo Việt, cạnh Hồ Gươm) một thời bị dư luận, những nhà làm kiến trúc, quy hoạch “đánh” tới lui mới chịu thôi.

Khi ấy, công trình 10 tầng này đã đóng móng đến tầng 3 rồi mà vẫn hoàn toàn được chính quyền giấu. Rất may sau đó, toàn bộ bản vẽ đã được lấy ra từ… bên Đức nhờ một cựu sinh viên kiến trúc. Ngày ấy, nếu toà nhà 10 tầng “Hà Nội Vàng” kia mọc lên án ngữ Hồ Gươm thì ngày nay làm sao có chỗ cho dân vào đây được nữa.

Vụ việc này cho thấy, Hà Nội lại “đánh úp” dư luận, đặt mọi việc vào sự đã rồi. Họ lại hành xử “kiểu trung tâm thương mại 19/12”, “kiểu toà nhà EVN ở Hồ Gươm”, không chịu rút kinh nghiệm. Chính quyền đã không làm đúng vai trò của người quản lí, thậm chí có những “ẩn ý” khiến dư luận phải đặt câu hỏi

Hội lễ không phải là nơi “trưởng giả học làm sang”

Bình luận về bài viết này

Bắt đầu từ năm trước, tôi đã bắt đầu đi thăm các chùa, rồi đi lễ, hội. Với mục đích đi thay đổi không khí, thăm quan phong cảnh và mở rộng tầm hiểu biết khi đến các chùa, lễ hội đó. Tôi đã đi Yên Tử nhiều lần, lần nào cũng leo chứ không bao giờ đi cáp, đi Chùa Hương, Yên Phụ, 1 số chùa lẻ không nhớ rõ. Điều tôi nhận thấy là hầu hết những nơi linh thiêng như vậy có rất nhiều điều đáng bức xúc: hàng quán mở ra tùm lum, phá hỏng cả cảnh quan, ô nhiễm khu vực, ban quản lý khu vực thì chỉ tranh thủ kiếm lời… rất đáng buồn và có mong ước nhỏ nhoi là nhà nước, chính quyền hãy quản lý chặt chẽ, tổ chức cho nhân dân khu vực có chỗ buôn bán, kinh doanh (chứ không nên dẹp họ) để trả lại cảnh quan khu vực, làm đẹp hình ảnh Việt Nam trong con mắt của khách du lịch nước ngoài cũng như trong nước.

Dưới đây là 1 bài phỏng vấn, 1 nhận định của 1 giáo sư có tiếng mà tôi thấy sâu sắc và đúng đắn về vấn đề lễ hội:

ý kiến của GS sử học Nguyễn Quang Ngọc về sự biến tướng của hội lễ hiện nay.

Sự xuống cấp trong văn hóa lễ hội không phải chuyện mới xảy ra vài năm gần đây mà là kết quả của một quá trình chuyển biến từ thời kỳ bao cấp bị cấm đoán sang thời kỳ thả lỏng quản lý lễ hội. 

Thời kỳ bao cấp không chỉ khiến kinh tế trì trệ, không có lương thực để nuôi người dân, mà còn khiến cuộc sống tinh thần của xã hội bị đẩy xuống cực thấp. Đền, đình, chùa, miếu… khắp nơi bị phá, ngay cả phong tục thờ cúng tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn” cũng cho là mê tín. Sự khốn khó về vật chất đã khổ, nhưng sự bao cấp trong văn hóa còn khiến tâm lý xã hội nặng nề hơn.

Sang thời kỳ đổi mới, đời sống vật chất là tiêu điểm của mọi mối quan tâm, mọi nguồn lực được huy động để phát triển kinh tế. Xã hội khá hơn, nhu cầu tự nhiên của mọi người được coi trọng hơn, tinh thần cũng biến đổi theo. Truyền thống gia đình, dòng họ được khôi phục, đời sống tâm linh được chăm chút. Nhưng sự quan tâm lại trở thành thái quá, vượt ngưỡng, do sự bung ra sau một thời kỳ bị dồn nén, lại thiếu sự định hướng, tổ chức với những định chế cụ thể, nên thành phát triển tràn lan. 

Trước đây, nghĩa địa là không gian khiêm tốn thể hiện sự trang nghiêm, kính trọng những người đã khuất. Giờ thì thành phố của người chết lấn dần làng của người sống, có nơi xây mộ tổ theo mô hình Nhà hát Lớn. Việc phục dựng lại đền, chùa, đình, miếu… là cần thiết, nhưng lại đua nhau mở rộng gấp cả chục lần theo tâm lý rất “bất thường”: “càng to càng đẹp, càng mở rộng càng hay”, bất kể giá trị thật sự của di tích trước đây. Đây là tâm lý lệch lạc xuất phát từ quan niệm thế giới tâm linh quyết định rất nhiều mặt đời sống của người sống.

Lễ hội được phục hồi trong nền cảnh là sự kết hợp của nếp sống “xưa” với điều kiện kinh tế – xã hội – công nghệ hiện nay. Mặt tích cực của nó là khôi phục lại không gian văn hóa tinh thần cho người dân được tạm quên những khó khăn nhọc nhằn của đời thường để thăng hoa.

Nhưng tiếc thay, những mặt tiêu cực lại có phần lấn át. Từ những lễ hội chủ yếu của làng, cùng lắm là của một vùng, giờ được đầu tư thành những lễ hội hoành tráng để phục vụ “du lịch văn hóa”. Khi mục đích tổ chức lễ hội thiên về kinh tế thì chuyện lễ hội bị biến dạng thành méo mó là không tránh khỏi.

Lễ hội gắn với cộng đồng thì rất thiêng liêng, người thuộc cộng đồng đó sẽ bằng mọi giá phải tham gia để cầu một năm thanh thản. Phần lễ trang nghiêm, phần hội là những trò chơi dân gian, vui chơi giải trí gắn với thần hoàng làng đó. Chẳng hạn làng Thị Cấm thờ vị tướng tham gia đánh giặc Tống cùng vua Lê Hoàn, do chuẩn bị trận đánh thì phải lo chuyện cơm nước nuôi quân nên ở làng này bây giờ có tục thổi cơm thi mỗi mùa hội.

Giờ thì quá nhiều hội được quảng bá thành lễ hội quốc gia, mất đi sự thiêng liêng khi không còn gắn với cộng đồng nhỏ ở làng. Nghi thức lễ bị coi nhẹ, phần hội thành vui chơi đàn đúm, cờ bạc… để kiếm tiền. Người đến lễ hội với tâm thái không phải để vui chơi mà chủ yếu để cầu tài lộc. Đến hội đền Bà Chúa Kho để vay tiền cho một năm làm ăn lời lãi; đến lễ khai ấn “chen chúc” cố “giành giật” được vuông ấn để mong năm nay sẽ được thăng quan tiến chức… Mục đích vụ lợi như vậy đã làm mất đi hoàn toàn tinh thần truyền thống của những lễ hội ấy. 

Nói không quá, văn hóa đang bị “lạm dụng”, mọi lễ hội đều được nâng tầm, mở rộng quy mô, số người tham gia lễ hội càng lớn thì càng tự hào. Lễ hội cũng như nhu cầu tín ngưỡng có phần cực đoan, thái quá của người dân đã tạo ra một đội ngũ đông đảo những người ăn theo lễ hội để kiếm tiền. Thật ra đó là sự lệch lạc khi biến lễ hội thành du lịch, nặng về kinh tế, bỏ xa mục đích cộng đồng nguyên gốc.

Lễ hội vốn là câu chuyện trở về với truyền thống, cội nguồn, phong tục tập quán, văn hóa của tổ tiên ta thời xưa. Trong truyền thống đó có cả giá trị và những cái tiêu cực. Lễ hội cần được đổi mới phù hợp với đời sống tinh thần, văn hóa hôm nay, nhưng lợi dụng yêu cầu đổi mới để đưa vào đó những công nghệ kiếm tiền thô lậu, những kịch bản lễ hội na ná nhau nhưng không còn tính chất thô sơ nguyên gốc… là góp phần làm cho lễ hội thêm xuống cấp. Mọi sự đổi mới phải nghiên cứu trên cơ sở sắc thái riêng của từng lễ hội, phù hợp với yêu cầu của cộng đồng.

Có thể nói, đời sống tinh thần của xã hội đã chuyển từ thái cực của sự nghèo nàn, thiếu thốn sang sự cực đoan kiểu “trưởng giả học làm sang”, “phú quý sinh lễ nghĩa”.

Theo tôi, những cơ quan quản lý văn hóa có lỗi đầu tiên khi để tình trạng lễ hội lộn xộn, hỗn loạn diễn biến nhanh theo chiều hướng ngày càng xấu thế này. Phải có những nghiên cứu cụ thể, bài bản từng lễ hội một. Nhà nước đầu tư tiền cho lễ hội là sự đầu tư không đúng chỗ, trừ một vài lễ hội rất đặc biệt như lễ hội Đền Hùng…

Cần có sự chỉ đạo nhất quán, mạch lạc, sự phối hợp hiệu quả từ cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương, đến cộng đồng chủ nhân lễ hội, nhất là với những hội lớn gắn với nhu cầu hành hương của toàn dân (như hội chùa Hương, Yên Tử) để lễ hội thật sự là những chuyến đi “xuân du phương thảo địa”.